VQG Tà Đùng nằm trên địa giới hành chính xã Đăk Som – huyện Đăk G’long – tỉnh Đăk Nông cách trung tâm TP. Gia Nghĩa 50 km về phía Đông Bắc, có tổng diện tích tự nhiên là 20.937,7 ha.

VQG Tà Đùng có một lớp thảm thực vật rừng rộng lớn, có tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi của Khu bảo tồn, bao gồm rừng nguyên sinh chiếm 48%, rừng thứ sinh các loại 36%. Nếu so sánh với tỷ lệ che phủ của rừng Việt Nam (33,6%) và rừng nguyên sinh của cả nước (10%), thì đây là một trong những vùng có độ che phủ lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật rất phong phú.

Về sự đa dạng hệ sinh thái, VQG bao gồm các HST sau:

Trong đó HST rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh là chủ yếu với diện tích 8416,2 ha , chiếm 44,6% diện tích của toàn bộ VQG.

Đa dạng hệ thực vật

Theo kết quả điều tra của Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển – Viện sinh học nhiệt đới năm 2011 và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2012 đã ghi nhận được ở VQG Tà Đùng có đến 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của 06 ngành thực vật khác nhau. Trong đó nhóm ngành thực vật hạt kín chiếm đa số (1.251 loài), sau đó là ngành Khuyết thực vật và đến ngành Thực vật hạt trần.

Đa dạng hệ động vật

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có 574 loài động vật thuộc 38 bộ và 124 họ khác nhau.

– Khu hệ thú: Qua kết quả điều tra tại Khu BTTN Tà Đùng, trong 88 loài thú có 37 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ, chiếm gần một nửa các loài thú có mặt tại Tà Đùng. Trong đó:

+ Số loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) là 34 loài, gồm 02 loài ở mức rất nguy cấp (CR), 15 loài ở cấp nguy cấp (EN), 15 loài thuộc mức sẽ nguy cấp (VU) và 02 loài gần nguy cấp (LR,nt).

+ Số loài ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2012) là 37 loài trong đó 06 loài ở cấp nguy cấp (EN), 12 loài thuộc mức sẽ nguy cấp (VU), 07 loài sắp bị đe dọa (LR,nt), 11 loài ít lo ngại (LR,lc) và 01 loài thiếu dữ liệu (DD).

Trong các loài quý hiếm, tại Tà Đùng còn có 03 loài thú đặc hữu cho Việt Nam là: Voọc bạc trung bộ (Trachypithecus magarita), Vượn má hung (Hylobates gabriellae), Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes). Đặc biệt Tà Đùng là một trong ba khu bảo vệ duy nhất của Việt Nam  hiện có loài Hươu vàng còn gọi là Hươu đầm lầy (Axis porcinus), đây là loài phụ đặc hữu của Đông Dương và Thái Lan, chúng đang có nguy cơ bị  tuyệt chủng do nơi sống bị thu hẹp và săn bắn quá mức.

– Khu hệ chim:  Trong tổng số 202 loài chim đã ghi nhận, có 16 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ IUCN, 2012. Các loài chim của Tà Đùng đặc trưng cho khu hệ chim của Tây nguyên và Nam Trung Bộ Việt Nam, điển hình như: Gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), các loài Khướu đặc hữu có vùng phân bố hẹp như: Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Khướu ngực đốm (Garrulax merulinus annamensis), Khướu mỏ dài (Jabouileia danjoui).

Ghi nhận được 05 loài đặc hữu của Việt Nam, đó là: Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), Gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis), Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Khướu ngực đốm (Garrulax annamensis), Khướu mỏ dài (Jabouileia danjoui) và các phân loài đặc hữu khác có vùng phân bố hẹp trên thế giới đang được quan tâm. Các loài chim đặc hữu cũng chính là các loài chim quý hiếm và phần lớn đó là các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ khác nhau (Đặng Huy Huỳnh và cộng sự, 1998).

– Khu hệ bò sát, ếch nhái:

Kết quả bước đầu đã ghi nhận tổng số 87 loài, trong đó: 49 loài bò sát, 38 loài ếch nhái. Trong số đó có 05 loài bổ sung cho danh sách bò sát ếch nhái của Tây Nguyên (Nguyễn Văn Sáng và Hồ Thu Cúc, 1982), bao gồm hai loài bò sát: Rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và Rùa núi viền (Mamouria impressa) và ba loài ếch nhái: Cóc mắt chân dài (Megophrys longipes), Cóc mày lớn (M. major) và Ếch gáy dồ (Rana toumanoffi).

Trong tổng số 87 loài có 16 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 06 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN, 2012 và 01 loài đặc hữu của Việt Nam: Nhông đuôi dài Việt nam (Bronchocela vetnamensis).

Khu hệ côn trùng có 153 loài thuộc 09 họ, 01 bộ, trong đó có 04 loài trong Sách đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài bướm đẹp. Đặc biệt, có loài Bướm phượng đuôi nheo (Lamproptera curius) là loài mới được bổ sung vào Sách đỏ Việt Nam và loài Bướm phượng ba mảnh xanh ngọc (Papilio paris) cũng chỉ gặp ở vùng này, trong các đai có độ cao dưới 700 m và gần các con suối.

– Khu hệ giun đất có 19 loài giun đất, đa số phân bố ở trong rừng. Đó cũng là một trong những yếu tố làm cho điều kiện đất ở trong rừng thường tơi xốp hơn so với các vùng đất trống, đồi núi trọc.

Đa dạng nguồn gen

Thực vật rừng: có 232 loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương. Trong 1.406 loài xác định được 1.177 loài có giá trị khác nhau. Do vậy, đây là hệ thực vật tiêu biểu thể hiện tính chất trung gian cho cả hai khu hệ Bắc và Nam của nước ta.

Động vật rừng: Đã ghi nhận được 09 loài đặc hữu của Việt Nam. Trong đó: Lớp Thú ghi nhận được 03 loài (Voọc bạc trung bộ Trachypithecus magarita, Chà vá chân đen Pygathrix nigripes, Vượn má hung Nomascus gabriellea). Lớp Chim ghi nhận được 05 loài (Gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini, Gà lôi vằn Lophura nycthemera annamensis, Khướu đầu đen Garrulax milleti, Khướu ngực đốm Garrulax annamensis, Khướu mỏ dài Jabouileia danjoui). Lớp Bò sát ghi nhận được 01 loài (Nhông đuôi dài việt nam Bronchocela vetnamensis) và một số loài chim, bò sát, ếch nhái khác có phạm vi phân bố hẹp, hiện đang được thế giới đặc biệt quan tâm.