Vườn Quốc Gia Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, thuộc 2 tỉnh Đăk Nông và Đăk Lắk. Phần phía Nam của VQG thuộc địa phận xã Đăk Wil có diện tích 42.140ha, địa hình bằng phẳng, độ cao khoảng 200m. VQG Yok Đôn có những đặc trưng vềđa dạng sinh học như sau:

Đa dạng hệ sinh thái

Trong diện tích VQG Yok Đôn có cả 02 hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo. Trong đó hệ sinh thái tự nhiên chiếm tới >85% diện tích, chủ yếu là HST rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh, HST rừng gỗ tự nhiên lá rộng nửa rụng lá và HST rừng gỗ tự nhiên lá rộng rụng lá (hay còn gọi là rừng khộp). Hệ sinh thái rừng khộp là nét đặc trưng của VQG này, phân bố chủ yếu ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.  Đây là VQG duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn được loại rừng đặc biệt này.

Đa dạng loài thực vật

Theo kết quả nghiên cứu hệ thực vật ở đây tập trung chủ yếu vào các Taxon thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta), chiếm tới 93,2% số họ, 97,6% số chi và 98,8% số loài; trong đó lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) là phong phú nhất, với 559 loài thuộc 283 chi và 101 họ.

Trong số 108 họ thực vật có đến 16 họ có từ 10 loài trở lên đó là: Thầu dầu (Euphorbiaceae): 50 loài; Cà phê (Rubiaceae): 40 loài; Đậu (Fabaceae): 35 loài; Cúc (Asteraceae): 24 loài; họ Ô rô (Acanthaceae) và họ Lúa (Poaceae): 14 loài; Dầu (Dipterocarpaceae): 13 loài; họ Na (Annonacea/e) và họ Vang (Caesalpiniaceae): 12 loài; các họ Bạc hà (Lamiaceae), Cỏ roi ngựa (Verbenaceae): 11 loài; các họ Na (Anacardiaceae), Bàng (Combretaceae) và Cói (Cyperaceae): 10 loài.

Có 14 loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (1996) cần được bảo vệ, trong đó có 07 loài thuộc cấp nguy cấp (V: Vulnerable), 01 loài thuộc cấp bị đe doạ (T: Threatened), 06 loài thuộc cấp biết không chính xác (K: Insufficiently know).

Có 227 loài cho gỗ lớn nhỏ, nhiều loài cho gỗ có giá trị kinh tế cao như: cẩm lai (Dalbergia oliveri), trắc (D. cochinchinensis), gõ đỏ (afzelia xylocarpa), giáng hương quả to (pterocarpus macrocarpus), gụ mật (sindora siamensis), căm xe (xylia xylocarpa), sao đen (hopea odorata), cẩm liên (shorea siamensis), cà chit (S. obtusa)… Ngoài ra, còn có 116 loài làm thuốc, 35 loài làm cảnh và có các giá trị tài nguyên khác như: cung cấp nguyên liệu đan lát, làm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm…

Đa dạng hệ động vật

Do đặc điểm của hệ sinh thái rừng khộp và điều kiện địa hình bằng phẳng nên khu hệ động vật ở đây cũng mang tính chất đặc biệt. Kết quả nghiên cứu về khu hệ động vật từ 1991 đến nay cho thấy tại VQG Yok Đôn có 384 loài động vật có xương sống, trong đó có 70 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư Khu hệ thú:Đến nay đã ghi nhận được 70 loài, trong đó có 30 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 17 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới (IUCN 2000).  Khu hệ thú ở đây được đặc trưng bằng sự phong phú của các loài thú móng guốc. Các loài có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với công tác bảo tồn gồm: voi, hổ, bò tót, bò rừng.

Khu hệ chim: theo kết quả điều tra của Viện điều tra quy hoạch rừng (năm 2001) và điều tra bổ sung của Bird Life (2002), khu hệ chim tại Yok Đôn có 250 loài, trong đó 20 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2000), 9 loài đặc hữu và 1 loài phân bố hẹp. Các loài hiện đang bị đe doạ ở cấp toàn cầu như: gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini), Công (Pavo muticus), Niệc nâu (Anorrhinus tickelli), Diều cá (Ichthyophaga ichthyaetus), Diều xám (Butastur liventer), Cắt nhỏ hông trắng (Polihierax insignis), Già đẫy nhỏ (Leptoptilos javanicus)…

Họ gõ kiến có tới 13 loài trong tổng số 23 loài của Việt Nam; họ Cu rốc có 65 loài trên tổng số 10 loài của cả nước; họ vẹt có 4 loài trên tổng số 6 loài của cả nước. Riêng loài vẹt má vàng (Psittacula eupatria) lớn nhất trong số các loài vẹt ở Việt Nam, duy nhất chỉ phân bố ở rừng khộp. Cũng tương tự đối với loài cắt nhỏ hông trắng chỉ phân bố ở sinh cảnh rừng khộp và chỉ được ghi nhận ở một vài điểm trên cả nước.

Khu hệ bò sát, ếch nhái: kết quả điều tra năm 2001 của Viện điều tra quy hoạch rừng và điều tra bổ sung năm 2002 đã ghi nhận được 48 loài bò sát thuộc 17 họ, 4 bộ và 16 loài ếch nhái thuộc 4 họ, 1 bộ; trong đó có 16 loài (chiếm 29,6% tổng số loài) được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2000), 2 loài (chiếm 3,7% tổng số loài) ở mức độ đe doạ bậc E (đang nguy cấp), 9 loài (chiếm 16,6% tổng số loài) ở mức độ đe doạ bậc V (sẽ nguy cấp), 5 loài (chiếm 9,2% tổng số loài) ở mức độ đe doạ bậc T (bị đe doạ).

Khu hệ côn trùng: đã ghi nhận được 437 loài thuộc 83 họ, 11 bộ. Trong bộ cánh vẩy (Lepidoptera) được ghi nhận cụ thể các loài bướm ngày (Microlepidoptera). Cũng như chim, bướm là một trong những loài chỉ thị cho tính đa dạng sinh học. Sự đa dạng của khu hệ bướm càng khẳng định rõ hơn tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Yok Đôn.