Trong khuôn khổ Hội nghị, đoàn công tác tỉnh Đắk Nông đã chủ động tìm hiểu, gặp gỡ và kết nối với các thành viên trong Mạng lưới khu vực và tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Maros Pangkep, Indonesia, giai đoạn 2022-2027.
Đại diện Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông – Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc (phải ảnh) và đại diện Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Maros Pangkep (Indonesia) – Ông Dedy Irfan Bachri, Giám đốc (bên trái ảnh) ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027 giữa hai công viên địa chất.
Chứng kiến lễ ký kết, về phía Việt Nam có GS. TS Trần Tân Văn, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC Việt Nam và TS. Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Giám đốc BQL CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Về phía Indonesia có GS. Mega Fatima Rosana, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia, Ban Chỉ đạo Mạng lưới CVĐC quốc gia Indonesia và Ông Togu Pardede, Vụ phó Vụ Địa chất, Khai thác và Địa nhiệt, Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia.
Hai CVĐC thống nhất sẽ lập kế hoạch chung từng năm để triển khai Biên bản ghi nhớ, với nhiều hoạt động thiết thực và thú vị như: giao lưu học tập kinh nghiệm giữa học sinh các trường trong vùng CVĐC, Hội trại CVĐC, trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm về bảo vệ di sản; truyền thông về khoa học địa chất và phát triển du lịch địa phương…
Tuy là thành viên mới gia nhập Mạng lưới CVĐCTC, nhưng với sự tích cực, chủ động trong hợp tác, giao lưu quốc tế, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã mở đầu cho việc ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác quốc tế đầu tiên của Mạng lưới quốc gia Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác giữa Mạng lưới 2 quốc gia Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới.
Một trong những nỗ lực của đoàn công tác được ghi nhận và đánh giá cao tại APGN7 là việc khởi xướng ý tưởng thành lập nhóm chuyên đề về Hang động núi lửa trong Mạng lưới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học về tính quý hiếm và độc đáo của di sản địa chất “hang động núi lửa” và qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu các CVĐCTC trong Mạng lưới khu vực, đoàn công tác nhận thấy chỉ có 7/80 thành viên của Mạng lưới khu vực có hang động núi lửa. Trên cơ sở đó, đoàn công tác đã đề xuất ý tưởng thành lập một nhóm chuyên đề về hang động núi lửa trong Mạng lưới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của hang động núi lửa.
Hiện đại diện các CVĐC đang tiếp tục trao đổi để phát triển ý tưởng và đề xuất ký kết biên bản ghi nhớ đa phương tại Hội nghị ISV20 ở Đắk Nông, tiến đến trình Ban Điều hành Mạng lưới toàn cầu về việc thành lập nhóm chuyên đề về Hang động núi lửa tại Hội nghị Mạng lưới CVĐCTC vào năm 2023 ở Ma-rốc.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc BQL CVĐC Đắk Nông – đại diện CVĐCTC UNESCO Đắk Nông vinh dự được GS.TS Nikolaos Zouros – Chủ tịch Mạng lưới toàn cầu và Ông Guy Martini – Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC UNESCO trao Giấy Chứng nhận thành viên chính thức.