Hát kể sử thi – Nét văn hóa đặc sắc của người M’nông

Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào M’nông trên địa bàn tỉnh cũng đã sáng tạo ra một kho tàng văn học quý giá với nhiều thể loại như truyện thần thoại, cổ tích, sử thi, tục ngữ, dân ca… trong đó đặc sắc, lối cuốn nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhất là hát kể sử thi (Ót N’drong).

Có thể nói, trong văn hóa dân gian của người M’nông, sử thi là bức họa tổng thể phản ánh những nét cơ bản trong đời sống xã hội, có nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện khát vọng, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi tác phẩm có nội dung, cốt truyện riêng biệt nhưng chung quy lại đều phản ánh xã hội cổ xưa của người M’nông về phong tục tập quán, sự giao lưu giữa người M’nông với các dân tộc anh em khác… Đây là loại hình sinh hoạt dân gian đặc sắc, có giá trị ở nhiều lĩnh vực khác nhau và được lưu truyền theo phương thức truyền miệng thông qua hình thức hát kể. Và sử thi của người M’nông rất đồ sộ, với hàng chục tác phẩm liên hoàn, mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện dài hàng ngàn câu, miêu tả một cách chân thực cuộc sống của đồng bào M’nông xưa. Những năm qua, dưới sự nỗ lực của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian cũng như ngành Văn hóa tỉnh nhà, hàng chục tác phẩm Ót N’drông của đồng bào M’nông được ghi chép và biên dịch như “Mùa rẫy bon Tiăng”, “Cây nêu thần”, “Kể dòng con cháu Mẹ Chep”, “Bông Rõng và Tiăng”…

Đặc biệt, trong hát kể sử thi M’nông có hát cúng thần, hát khóc… phổ biến nhất là hát nói dân gian. Người M’nông cho rằng, người có tài diễn xướng sử thi là người được thần linh (Yàng) ban cho cái môi, cái miệng để hát kể sử thi cho con cháu nghe. Khi hát kể, nghệ nhân lồng cảm xúc của mình ngay trên nét mặt, cử chỉ, điệu bộ để thể hiện tính cách của nhân vật một cách hiệu quả nhất. Hầu hết các nghệ nhân hát kể sử thi đều là những người có thể “nhập thân” vào các nhân vật. Vì vậy, nghệ nhân hát kể sử thi phải là một người thông minh, có trí nhớ tốt, trí tưởng tượng phong phú. Khi biểu diễn là lúc nghệ nhân đang sống trong một thế giới riêng biệt, tùy theo từng nội dung, cảm hứng thẩm mỹ của mình mà trình bày tiết tấu, âm điệu phù hợp. Ở đây, người nghệ nhân kể, hát sử thi được coi là “báu vật sống” của dân tộc, họ là một nghệ sỹ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, họ cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng con quỷ, giọng thần tiên…

Bên cạnh đó, hát kể sử thi mang tính cộng đồng rất lớn, trong không gian tĩnh lặng của đêm khuya hay trong khung cảnh náo nhiệt của lễ hội, mỗi khi giọng nghệ nhân hát kể sử thi cất lên thì mọi người lại quây quần bên nhau để được nghe và đắm chìm vào thế giới đầy huyền bí. Đây chính là con đường ngắn nhất để cho sử thi M’nông nói riêng và sử thi Tây Nguyên được lưu truyền. Do đó, hát kể sử thi đã trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào M’nông. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái tài hát kể sử thi và số người có biệt tài này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện tại toàn tỉnh chỉ có khoảng 20 người có thể hát kể được sử thi của dân tộc mình và đang giảm dần số lượng do các nghệ nhân đã thuộc tuổi cao niên gần đất xa trời. Là một trong những người biết hát sử thi, chị Thị Pyơn ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) cho biết: “Cuộc sống của đồng bào chúng tôi quanh năm gắn liền với nương rẫy nên sử thi có vai trò rất quan trọng và nó là liều thuốc tinh thần đối với người lao động. Ngày trước, tôi không biết hát sử thi đâu, nhưng mỗi lần lên nương rẫy nghe những người già hát và tôi mê luôn từ đó. Năm 2003, cố nghệ nhân Điểu Kâu mở lớp dạy sử thi nên tôi đã đăng ký học, nhờ đó tôi có thể hát được một số bài sử thi của dân tộc mình”. Còn ông Điểu K’Lứt (anh trai của cố nghệ nhân Điểu Kâu)- một kho “sử thi sống” ở bon Bu Brâng cho biết: “Ót N’rông mang trong mình nét đặc sắc riêng biệt của người M’nông nên hồi 8 tuổi tôi đã biết hát sử thi rồi. Sử thi đặc biệt lắm, tôi như bị mê hoặc bởi từng câu chữ của sử thi. Tôi có thể hát suốt đêm mà không hề mệt mỏi. Đã vào guồng quay của hát sử thi rồi thì không thể dứt ra được. Giờ đây, sức khỏe đã yếu nên tôi không thể hát sử thi như xưa, nhớ lắm”

Chị Thị Pyơn (ngoài cùng bên phải) ở bon Bu B’râng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) hát kể sử thi cho mọi người cùng thưởng thức

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thì Ót N’rông của người M’nông là di sản vô giá, có giá trị văn hóa, tư tưởng to lớn được đồng bào sáng tạo từ bao đời nay và đây thực sự là kho tàng văn hóa dân gian truyền miệng độc đáo cần phải được lưu truyền, gìn giữ. Do đó, những năm qua, ngành cũng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để có thể phát huy được nét văn hóa độc đáo này. Việc duy trì và phát triển nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian, câu lạc bộ cồng chiêng chính là môi trường tốt để cho các nghệ nhân hát kể sử thi có điều kiện thể hiện tài năng hát sử thi của mình.

Mỹ Hằng

Admin

Admin

Ban quản lý CVĐC Đăk Nông

Địa chỉ

Đường 23/3, p. Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa,

Tỉnh Đăk Nông.

Liên hệ

Phone: (+84) 2613 93 93 93

Share on facebook

2199/QÐ-UBND