Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp nằm ở phía Bắc của tỉnh Đăk Nông giáp ranh với tỉnh Đăk Lăk, cách trung tâm TP. Gia Nghĩa khoảng 120 km về phía Bắc thuộc địa giới hành chính các xã Đăk Sôr, Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Diện tích Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp quy hoạch đến năm 2020 là 6539,18ha, (Theo quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 2/12/2013 của UBND tỉnh Đăk Nông) trong đó, rừng đặc dụng 1652,17ha, rừng phòng hộ xung yếu là 4887,01 ha thuộc địa giới hành chính các xã Đăk Sôr, Nam Đà, Đăk Đrô và xã Buôn Choa’h, huyện Krông Nô tỉnh Đăk Nông. Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có các đặc trưng về đa dạng sinh học như sau:

Đa dạng hệ sinh thái

Theo kết quả điều tra của Nguyễn Đình Thắng và cộng sự năm 2015 và kết quả điều tra, khảo sát bổ sung năm 2017, bước đầu ghi nhận khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có 02 hệ sinh thái chính đó là: hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo.

Đa dạng hệ thực vật

Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có đến 1047 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 571 chi và 141 họ của 04 ngành thực vật khác nhau. Hệ thực vật khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp tập trung chủ yếu ở các taxon ngành Mộc lan (Magnoliophyta), chiếm 82,98% số họ (117 họ), 92,47% số chi (528 chi) và 91,88% số loài (962 loài); trong đó lớp Mộc lan (Magnoliopsida) là phong phú nhất, Khi so sánh với một số Vườn quốc gia và KBTTN trong khu vực Tây Nguyên, Miền Trung và Đông Nam Bộ cho thấy mặc dù có quy mô diện tích nhỏ, nhưng thành phần thực vật bậc cao của khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp là rất phong phú và đa dạng.

Trong số 1.047 loài đã thống kê thì có đến 59 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014) được ghi nhận hiện diện ở Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có giá trị bảo tồn cao, kết quả thể hiện tại bảng 8. Ở mức độ cấp quốc gia có 42 loài trong đó có 01 loài rất nguy cấp (CR), 16 loài nguy cấp (EN) và 25 loài sẽ nguy cấp (VU); ở mức độ toàn cầu có 28 loài trong đó có 04 loài rất nguy cấp (CR), 08 loài nguy cấp (EN), 07 loài sẽ nguy cấp (VU) và 09 loài ít nguy cấp (LR).

Đặc biệt một số loài có mức độ nguy cấp cao có cả trong cách đánh giá của Việt Nam (Sách đỏ Việt Nam, 2007) và trên thế giới (IUCN, 2014) như: Cẩm lai bà rịa (Dalbergia bariaensis Pierre) EN-EN; Cẩm lai (Dalbergia oliveri Gamble ex Prain) EN-EN; Cẩm lai vú (Dalbergia mammosa Pierre) EN-EN; Cà te (Afzelia xylocarpa (Kurz) Craib) EN-EN; Vên vên (Anisoptera costata Korth) EN-EN.

Đa dạng hệ động vật

Do đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, đất đai, khí hậu và đặc điểm của hệ sinh thái rừng đã góp phần hình thành nên khu hệ động vật ở đây cũng mang tính chất điển hình. Kết quả điều tra, bước đầu đã xác định và thống kê được tại khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có 289 loài động vật có xương sống, trong đó có 54 loài Thú, 187 loài Chim, 32 loài Bò sát và 16 loài Ếch nhái (lưỡng cư) thuộc 85 họ, 25 bộ

Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có khu hệ Chim và khu hệ Thú là khá đa dạng về thành phần loài. Tuy nhiên các khu hệ Côn trùng, Cá, Thân mềm chưa được điều tra, nghiên cứu.

Khu hệ Thú: trong số 54 loài thú được ghi nhận tại khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp thì có đến 14 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014) thể hiện tại bảng 11. Trong đó, ở mức độ cấp quốc gia có 5 loài Nguy cấp (EN), 08 loài Sẽ nguy cấp (VU) và 01 loài Ít nguy cấp (LR); ở mức độ toàn cầu có 01 loài Nguy cấp (EN), 03 loài Sẽ nguy cấp (VU), 02 loài Ít nguy cấp (LR) và 01 loài Thiếu dẫn liệu (DD). Các loài có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với công tác bảo tồn được xác định, gồm các loài sau: Nai (Cervus unicolor Keer), Chà vá chân đen (Pygathrix nemaeus nigripes), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus) và Sơn dương (Capricornis sumatraensis), …

– Khu hệ Chim: Tổng số đã ghi nhận 187 loài thuộc 14 bộ và 46 họ. Thành phần loài chim ở khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp đặc trưng cho khu hệ chim ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ Việt Nam. Trong tổng số 187 loài đã ghi nhận, có 07 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014), và 04 loài đặc hữu, phân bố hẹp thể hiện tại bảng 12. Trong đó, ở mức độ cấp quốc gia có 04 loài Sẽ nguy cấp (VU) và 03 loài Ít nguy cấp (LR); ở mức độ quốc tế có 03 loài Ít nguy cấp (LR). Điển hình là các loài Gà lôi trắng  (Lophura nycthemera), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini),  Khướu đầu đen (Garrulax milleti)  và Khướu mỏ dài (Jabouileia danjoui).

– Khu hệ Bò sát, Ếch nhái: Kết quả bước đầu đã ghi nhận có 32 loài bò sát thuộc 02 bộ và 12 họ, 16 loài ếch nhái thuộc 01 bộ và 06 họ. Trong đó có 11 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia (sách đỏ Việt Nam, 2007) và toàn cầu (IUCN, 2014) thể hiện tại bảng 13. Ở mức độ cấp quốc gia có 05 loài Nguy cấp (EN) và 06 loài Sẽ nguy cấp (VU); ở mức độ cấp quốc gia có 01 loài Sẽ nguy cấp (VU) và 01 loài Ít nguy cấp (LR). Điển hình là các loài Kỳ đà nước (Varanus salvator), Rùa núi viền (Manouria impressa) và Rắn hổ mang (Naja naja).

Đặc biệt một số loài có mức độ nguy cấp cao có cả trong cách đánh giá của Việt Nam (Sách đỏ Việt Nam, 2007) và trên thế giới (IUCN, 2014) như: Chà vá chân đen (Pygathrix nemaeus nigripes) EN-EN; Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) VU-VU; Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) VU-VU; Rùa núi viền (Manouria impressa) VU-VU; …