Sâm Cau là một loại dược liệu quý, trên thế giới dược liệu này được Gaertn miêu tả khoa học đầu tiên năm 1788. Cây Sâm Cau sinh trưởng mạnh dưới tán lá rừng lá rộng nguyên sinh hoặc thứ sinh. Trên lãnh thổ Việt Nam, Sâm Cau phân bố rải rác ở các tỉnh vùng núi từ Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình. Cây thường mọc trên những nơi đất còn tương đối màu mỡ trong thung lũng, chân núi đá vôi hoặc ven nương rẫy. Riêng Sâm Cau Đắk Nông lại tập trung sinh trưởng ở vùng đá basalt núi lửa, phân bố chủ yếu trên địa bàn huyện Krông Nô thuộc vùng Công viên địa chất Đắk Nông và được đánh giá là loại có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Sâm Cau có tên khoa học là Curculigo orchioides,tên dân gian là Huệ chi đá, tiên mao, ngải cau,….đây là một loài thực vật có hoa trong họ Hypoxidaceae, thân cỏ, lá hẹp, cao 20 – 30cm, lá mọc tụ hợp thành túm từ thân rễ, xếp nếp như lá cau, hình mũi mác hẹp, có hoa màu vàng (nên là sâm cau). Phần thân rễ chính dạng củ, cắm sâu xuống đất. Ở dạng nguyên củ, Sâm Cau thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, thân chỉ có 1 rễ chính, không phân nhánh, có các rễ con to bám quanh thân rễ chính.

Sâm Cau có vị cay, ngọt, tính ấm, quy kinh vào hai kinh can thận. Thân và rễ của cây Sâm Cau có chứa nhiều Curculigin A nhất và nhóm chất Cycloartan triterpen saponin làm tăng khả năng sản xuất nội tiết tố nam testosterone. Sâm Cau có tác dụng ôn thận, tráng dương, kiện gân cốt, cố tinh, trừ lạnh, giảm chân tay tê mỏi, đau nhức xương khớp cho cả nam và nữ, giúp tinh thần tỉnh táo, mạnh gân cốt, đen râu tóc. Tuy nhiên Sâm Cau cũng có độc tính nên khi chế biến, người ta rửa sạch và ngâm với nước vo gạo để khử bớt độc tính, không dùng cho người suy nhược.  

Sâm Cau được người dân tộc bản địa sử dụng để phục hồi sinh lực, nguồn thức ăn và thuốc quý trong khi đi làm nương rẫy, đi rừng săn thú. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), bộ đội tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) cũng được người dân chỉ cho cách sử dụng nên trong nhiều trường hợp bộ đội đã tự chăm sóc được sức khỏe.

Phát hiện ra những giá trị lớn của dược liệu Sâm Cau, trong những năm gần đây người dân đã khai thác ồ ạt, rừng ngày càng thu hẹp dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn dược liệu này. Đứng trước thực trạng đó chính quyền huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông bắt đầu quan tâm việc bảo tồn gen, năm 2017 huyện Krông Nô đã xây dựng Đề án “Bảo tồn nguồn gen gắn với phát triển cây dược liệu sâm cau dưới tán rừng tại Krông Nô” tập trung ở xã Đắk Sôr với diện tích 300m2, hiện nay đang sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó đến nay, mô hình với quy mô tiếp tục triển khai mở rộng lên 3.000m2 cung cấp nguồn dược liệu cho thị trường trong và ngoài nước, khám chữa bệnh đông y của các cơ sở y tế trong tỉnh, tạo hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế khá cao. Đây sẽ là cây trồng mới được bổ sung vào nguồn cây giống của địa phương để người dân lựa chọn trong phát triển kinh tế, nhất là tận dụng đất dưới tán rừng, tán cây công nghiệp để tăng thu nhập.

Để quảng bá sản phẩm Sâm Cau, Công viên địa chất Đắk Nông ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển và mở rộng quy mô trồng, thu hái, bảo quản khoa học nhằm đảm bảo giữ gìn nguồn dinh dưỡng, bên cạnh đó tích cực giới thiệu sản phẩm Sâm Cau thông qua các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thuộc các sự kiện của Công viên địa chất Việt Nam và Công viên địa chất toàn cầu

Cây Sâm Cau rễ trắng