Khoảng thời gian từ năm 1935-1936, trong một chuyến đi đến tỉnh Đắk Lắk, vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và đoàn cận vệ cưỡi voi đi vào rừng để săn bắn, sau đó nghỉ ngơi dưới chân thác D’ray Sáp Thượng để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Khung cảnh nên thơ của thác đã khiến vua Bảo Đại rất thích thú nên nhà vua đã đổi tên thác thành thác Gia Long (tên vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn).
Từ đó về sau, tên thác D’ray Sáp Thượng đã dần bị lãng quên, thay vào đó là tên gọi thác Gia Long như ngày nay. Thác nằm trong cảnh quan rừng đặc dụng D’ray Sáp với đa dạng các loại động thực vật (755 loài thực vật bậc cao, 289 loài động vật có xương sống), trong đó có nhiều loài quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt.
Thác Gia Long được hình thành bởi dòng chảy bazan của núi lửa Nâm Blang bao phủ lên đá trầm tích, các dòng chảy bazan mang lại nhiều giá trị địa chất có ý nghĩa cho khoa học và giáo dục. Cũng tại nơi đây, du khách có thể quan sát những tảng đá bazan bị vỡ vụn, kèm theo các dãy núi với hoạt động kiến tạo không liền mạch và chắp nối cùng với hiệu ứng của dòng nước, tạo thành nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Địa hình nơi đây tương đối bằng phẳng, xen kẽ với những ngọn núi có đỉnh cao nhất là 460m là một khu vực đồi thoải, có độ cao 300m so với mực nước biển. Trong khu vực thác Gia Long còn có một hồ nước nhỏ, chỉ rộng vài trăm mét vuông nhưng đã tạo nên một cảnh quan độc đáo, thơ mộng hòa quyện với dòng nước mát lạnh theo dòng chảy đá bazan.
Thác Gia Long cũng gắn liền với một câu chuyện tình yêu cảm động của người con gái Êđê xinh đẹp tên H’Mi đã bị cuốn trôi bởi dòng nước khổng lồ do một quái thú tạo nên. Không cứu được người con gái mình yêu, vì quá đau buồn người yêu cô đã biến thành một cái cây lớn, cắm sâu vào đá trông như một người đàn ông đau khổ với vòng tay rộng mở, đợi chờ người yêu quay về. Ngày nay, đặc biệt vào các dịp lễ hoặc ngày Tết, thác Gia Long luôn là một điểm đến thú vị cho những du khách muốn đắm mình trong không gian tươi xanh của đại ngàn.