Năm 1898, người Pháp đưa quân xâm chiếm Tây Nguyên, lần lượt mở rộng đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Đắk Lắk. Năm 1904 thực dân Pháp bắt tay xây dựng bộ máy thống trị, thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, chia cao nguyên Đắk Lắk thành năm quận.
Trong quá trình xâm lược khu vực Tây Nguyên, nhận thấy sự khó khăn trong việc di chuyển trên con đường huyết mạch ảnh hưởng ý đồ bá chủ vùng Cao nguyên rộng lớn, đồng thời rút ngắn thời gian đi lại và thuận lợi cho việc xâm chiếm mở rộng lãnh thổ, năm 1941 chính quyền thực dân Pháp quyết định xây dựng cây cầu Sêrêpốk và hoàn thành sau khoảng 16 năm (năm 1957).
Trong buổi lễ khánh thành, để chứng minh sự an toàn của cây cầu, phu nhân kỹ sư người Pháp đã tặng cho cô gái Êđê trẻ đẹp nhất vùng một đôi giày cao gót và cùng cô mặc trang phục truyền thống của người Êđê, đi bộ qua cầu. Cây cầu được chính quyền Pháp đặt tên là cầu 14 (cầu trên tuyến đường 14), còn người dân địa phương đặt tên là cầu Sêrêpốk (cầu bắc qua sông Sêrêpốk).
Bước sang giai đoạn chống Mỹ (1954-1975), tuyến đường 14 được đế quốc Mỹ và ngụy quyền khai thác triệt để với lực lượng lính chư hầu, ngụy quyền làm chốt chặn nhằm kiểm soát gắt gao hai bên cầu 14, ngăn chặn mọi nguồn lực của quân đội Việt Nam. Và cũng chính nơi đây, quân và dân ta mở mũi tiến công quan trọng tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hướng về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1975 đến năm 2015, cầu 14 vẫn chứng kiến và cùng nhân dân Tây Nguyên xây dựng và phát triển kinh tế.
Với nhu cầu đi lại ngày càng cao, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng một cây cầu mới song song với cây cầu Sêrêpốk, năm 1992 cầu mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Năm 2014, tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông tiếp tục xây cây cầu thứ 3 nằm giữa hai cây cầu cũ và mới, hai cây cầu 14 mới tiếp tục giữ vị trí giao thông huyết mạch trên quốc lộ 14. Cầu Sêrêpốk cũng kép lại sứ mệnh lịch sử của mình cùng chứng kiến sự thay da, đổi thịt của vùng đất Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nói chung. Hiện nay, cầu Sêrêpốk vẫn còn khá nguyên vẹn cho dù trải qua gần 80 năm tồn tại. Mặc dù cầu 14 đã không còn được sử dụng, nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ người dân địa phương sống hai bên sông nói riêng, cả nước nói chung vẫn trân trọng và gìn giữ cho mai sau.