Đắk Nia giúp đồng bào từng bước phát triển nghề truyền thống

Xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận 2 nghề truyền thống là “Làm rượu cần” và “Dệt thổ cẩm”. Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang có những giải pháp để giúp đồng bào vừa lưu giữ nghề truyền thống vừa có thể phát triển, có nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Tập hợp những người có tay nghề vào tổ hợp tác

Tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm có 8 chị em tham gia, đều là những người có tay nghề cao và đã có thêm nguồn thu nhập từ dệt thổ cẩm.

THT thổ cẩm được xã tạo điều kiện bố trí cơ sở tại Làng nghề truyền thống Đắk Nia

Chị H’Bình, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm chia sẻ: Các chị tham gia THT đều có hơn 10 năm dệt thổ cẩm, thậm chí có chị có tới 30 năm nên dệt rất thành tạo, sản phẩm đẹp mắt. Các chị không chỉ dệt nhanh mà có nhiều sáng tạo trong dệt các hoa văn. Bên cạnh giữ gìn những hoa văn truyền thống của các dân tộc thiểu số, các thành viên còn dệt những hoa văn mang tính hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trước đây, đa số thổ cẩm được dệt để làm váy, áo, túi xách, chăn, gối… phục vụ cho sinh hoạt của đồng bào thì hiện nay có thêm những khách hàng đặt để làm sản phẩm thời trang, làm quà lưu niệm. Vì vậy, THT cũng có những đổi mới để phù hợp với thị trường.

THT rượu cần Đắk Nia thì có 7 hộ đến từ bon Ting Wel Đơm, bon Bu Sốp và bon N’Jriêng tham gia. Mỗi năm THT sản xuất khoảng 100 ché, trong đó ché nhỏ từ 4 lít, ché thường khoảng 10-25 lít, ché đại từ 40-50 lít.

Chị H’Mai, Tổ trưởng THT rượu cần chia sẻ: Nghề nấu rượu cần đa số chị em được truyền lại từ các bà, các mẹ. Rượu cần muốn ngon thì phải phơi được nắng đẹp. Vì thế, chúng tôi thường nấu rượu vào mùa nắng. Nguyên liệu  truyền thống dùng để nấu rượu cần của người Mạ là gạo lứt tẻ và gạo lứt nếp trộn men đặc trưng riêng. Để rượu có vị đậm đà và hương thơm khi uống thì phải nấu cơm để thật nguội rồi mới trộn men vào và ủ đúng thời gian từ nửa tháng trở lên. Giá bán cũng rất bình dân, ché loại nhỏ 4 lít chỉ 250.000 đồng.

THT rượu cần Đắk Nia được thành lập góp phần tạo việc làm cho đồng bào

Chính quyền quan tâm, hỗ trợ

Thời gian qua, thị xã Gia Nghĩa luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào có thể giữ nghề và phát triển nghề truyền thống. Địa phương phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức dạy nghề cho 61 người là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các học viên sau khi học nghề đều biết dệt và cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt.

Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, các THT được thành lập vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống và bước đầu giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào. Hiện tại, thu nhập của những hộ dệt thổ cẩm đạt khoảng 3-5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thêm cho một số lao động địa phương. Hiện nay, xã đang phối hợp với các cấp, các ngành giúp các THT quảng bá sản phẩm bằng cách giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ THT liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị du lịch để sản phẩm thổ cẩm và rượu cần có đầu ra ổn định, giúp bà con phát triển bền vững nghề truyền thống.

Bài, ảnh: Phan Đinh

Theo baodaknong.org.vn

Share bài viết:

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on telegram

Địa chỉ

Đường 23/3, p. Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa,

Tỉnh Đăk Nông.

Liên hệ

Phone: (+84) 2613 93 93 93

Share on facebook

2199/QÐ-UBND