Ngày 20.3.2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận và xếp hạng Quốc gia Di tích Khảo cổ Hang C6.1
Di tích khảo cổ Hang C6.1 (tên cũ đặt ký hiệu là C6-1) nằm ở phía Bắc của DNUGGp, cách núi lửa Nâm Blang (Chư Bluk) khoảng 6.271m về phía Tây Bắc, có niên đại khoảng 6.000 – 3.000 năm cách ngày nay (thuộc giai đoạn Trung kỳ Đá mới). Đây là một trong những di chỉ khảo cổ học còn lưu giữ được nhiều dấu tích phức hợp của một di chỉ cư trú, mộ táng và có dấu vết của nơi chế tác công cụ lao động…
Năm 2017, trong quá trình thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, các chuyên gia địa chất và khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích khảo cổ thuộc hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, gồm: hang C1, hang C1-1, hang C3, hang C4, hang C4-1, hang C6, hang C6’, C6-1, hang P1, hang P2. Lieen tục trong hai năm 2018 và 2019 di tích được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì nghiên cứu, khai quật.
Hố khai quật tại Hang C6.1
Di tích Hang C6.1 là sản phẩm hoạt động phun trào của núi lửa Buôn Choah (tên gọi hiện nay là Nâm Blang), ngoài chứa đựng những thành tạo hang động núi lửa độc đáo, bên cạnh các giá trị về di sản địa chất, việc phát hiện dấu tích cư trú, công xưởng và mộ táng. Sau khi khai quật tại phần cửa chính Hang C6.1 đã thu thập khối lượng lớn các di vật như: mảnh gốm, nhuyễn thể ốc biển, xương động vật, công cụ xương, đá nguyên liệu, công cụ đá, nổi bật là nhóm công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình như rìu hình bầu dục, rìu ngắn, hình đĩa, công cụ hình bàn, dấu tích bếp lửa. Đặc biệt là 07 mộ táng có di cốt người được chôn theo tư thế nằm nghiêng co hoặc ngồi bó gối và 1 mũi tên đồng. Dựa vào cấu trúc tầng văn hóa, hệ thống niên đại 14C cùng tổ hợp di vật có thể thấy hang C6.1 gồm 2 giai đoạn văn hóa: giai đoạn sớm tồn tại từ 7.000 đến 5.500 năm BP và giai đoạn muộn có niên đại từ 5.500 năm đến khoảng 4.000 năm BP.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Chuyên gia khảo cổ học – Nhân chủng học, Hội Khảo cổ học Việt Nam đang xử lý mộ 1 Hang C6.1 (năm 2019)
Kết quả khai quật đã mang lại những nhận thức mới vì lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ trong hang động núi lửa và các cư dân tiền sử ở đây đã biết lựa chọn, thích ứng với môi trường hang động núi lửa trên đất Tây Nguyên để làm nơi cư trú lâu dài.
Di tích được các chuyên gia xếp vào hàng độc đáo, rất có giá trị khoa học và thực tiễn, rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới.