Hóa thạch cúc đá – Dấu tích của giai đoạn đại dương trong quá trình hình thành nên vùng đất Đắk Nông

Cúc đá (Ammonite) là tên gọi chỉ nhóm các loài động vật biển thân mềm thuộc lớp Chân đầu (Cephalopoda). Loài sinh vật biển này có mối quan hệ gần gũi với các loài Nautiloidea có vỏ, còn sống như ốc anh vũ tại vùng biển Thái Bình Dương và biển Đông. Cúc đá đã tuyệt chủng cùng thời với khủng long trong cuộc khủng hoảng sinh học vào giai đoạn cuối Đại Trung sinh, cách đây 65 triệu năm.

Điều đáng ngạc nhiên là, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch Cúc đá tại một số thôn thuộc các xã Đắk Wil, Ea Pô, huyện Cư Jut trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông!

Hóa thạch Cúc đá được hình thành khi Cúc đá bị chết đi, miệng của chúng hé mở, phần thân mềm bên trong bị thối rữa, phân hủy và dần được thay thế, lấp đầy bởi trầm tích cát bột sét của đáy biển. Vỏ cứng của chúng có vai trò là khuôn giữ lại nguyên vẹn hình dạng bên trong của nó trong quá trình trầm tích và biến đổi thành đá. Trải qua quá trình địa chất lâu dài, lớp vỏ cứng giàu CaCO3 bị hòa tan, chỉ còn lại khuôn trong của Cúc đá.

Việc tìm thấy hóa thạch Cúc đá tại Công viên địa chất Đắk Nông là minh chứng khoa học để khẳng định rằng, cách đây khoảng 201 – 174 triệu năm, nơi đây là biển cổ với môi trường cổ địa lý khá bình ổn, không có biến động lớn.

Kích thước Cúc đá khá lớn (vài chục đến 50 – 60cm) khẳng định trầm tích chứa hóa thạch có độ sâu khoảng từ 50 – 200 m.

Đây là một “chứng tích” quan trọng của lịch sử kiến tạo địa chất của vùng đất Đăk Nông hôm nay. Tuy nhiên, trong quá trình khai phá, san ủi đất làm nương rẫy, người dân tại những khu vực này đã làm xuất lộ hóa thạch Cúc đá. Thấy lạ mắt và bán được tiền, người dân đã đua nhau đi đào bới, đập đá để tìm kiếm hóa thạch đem về bán. Vì thế, các điểm hóa thạch lộ trên tầng mặt ở nơi đây hầu như không còn hóa thạch đẹp (nguyên con), chỉ còn các mảnh vỡ không có giá trị trưng bày. Những vết lộ tự nhiên chứa hóa thạch không được bảo vệ và cũng không còn bắt gặp; Hiện tại, khó có thể tìm thấy hóa thạch Cúc đá có kích thước lớn tại khu vực này.

Trong thời gian tới, Công viên địa chất Đắk Nông cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân nộp lại hóa thạch để phục vụ công tác trưng bày tại chỗ, giới thiệu khách tham quan, phát triển du lịch và cần có quy hoạch bảo tồn để giảm thiểu xâm hại di sản.

Share bài viết:

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on telegram

Địa chỉ

Đường 23/3, p. Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa,

Tỉnh Đăk Nông.

Liên hệ

Phone: (+84) 2613 93 93 93

Share on facebook

2199/QÐ-UBND