Gà trống và tục treo trứng gà trống lên trần nhà trong đời sống tâm linh của dân tộc Dao

Từ xa xưa, gà là con vật gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày và đời sống văn hóa, tâm linh của các tộc người ở Việt Nam.

Đối với dân tộc Dao, gà trống không chỉ là loài vật nuôi quen thuộc, nguồn thực phẩm hằng ngày, đóng vai trò như một chiếc đồng hồ sinh học…; đồng thời còn được dùng làm lễ vật dâng cúng, kết nối với tổ tiên, thần linh.

Gà trống thường là lễ vật dâng cúng chính trong các ngày lễ của dân tộc Dao

Những con gà trống có lông màu vàng, mào đỏ tươi, chân có cựa, da vàng luôn được ưa chuộng, chọn nuôi. Gà trống nhiều màu sắc (ngũ sắc) được cho là gà quý. Theo quan niệm của cộng đồng người Dao, gà trống là hiện thân của sức mạnh, là đứa con của thần rừng, thần núi; có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của mình. Gà trống còn là con vật biểu tượng của mặt trời. Gà trống biết gáy để kêu gọi, báo hiệu mặt trời lên, bắt đầu của một ngày mới và những điều mới mẻ. Khi con gà cất tiếng gáy, mọi điều xấu xa, đen đủi đều tan biến. Gà trống còn làm nhiệm vụ thông báo, là con đường kết nối, vật dẫn với các vị thần linh cũng như vạn vật. Vì vậy, gà trống tượng trưng cho sức mạnh và sự linh thiêng, mang một giá trị tâm linh.

Trong đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới, mọi người thường lắng nghe xem giờ đầu năm con vật nào kêu trước, nếu nghe tiếng con gà gáy đầu tiên nghĩa là năm đó mùa màng tươi tốt. Con gà trống được người Dao sử dụng trong các ngày lễ như: Lễ cúng tổ tiên, lễ cúng thổ địa, lễ cấp sắc, lễ mừng tuổi… với ý nghĩa mời các thần linh, tổ tiên về thụ hưởng lễ vật và cầu mong sự che chở, bảo vệ từ các thần linh, tổ tiên.

Gà trống như cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật chỉ đường, dẫn lối cho người Dao trong tất cả mọi việc, cho nên với họ con gà trống là con vật thiêng. Đặc biệt, tục giữ gìn “trứng gà trống” là một trong những nét đẹp trong tâm linh của người Dao.

Khi trong đàn gà nuôi của gia đình có “gà trống đẻ trứng”, người Dao sẽ đem quả trứng đó lau chùi sạch sẽ, bọc lại và đem treo lên nơi cao nhất của trần nhà. Họ cho rằng, hiện tượng “gà trống đẻ trứng” là một điềm may mắn, tốt lành, của trời ban nên phải cất giữ cẩn thận. Nhất là vào dịp đầu xuân, khi “gà trống đẻ trứng” thì mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình ấm no sung túc, sức khỏe dồi dào.

“Trứng gà trống” được bọc kỹ và treo trên trần nhà của người Dao

Theo giải thích khoa học thì những con gà trống có thể đẻ trứng nhưng thật ra bản chất của chúng chính là một con gà mái. Bộ gen nhiễm sắc thể của chúng đang mang trong người đã có phần yếu đi, nên những đặc điểm biểu hiện bên ngoài của chúng đã bị chuyển sang như những con gà trống bình thường khác, nhưng hệ thống sinh sản của chúng vẫn là hệ thống trứng bình thường như những chú gà mái. “Trứng gà trống” rất bé và chỉ toàn lòng trắng.

Tỉ lệ những con gà mái trong hình dạng gà trống thường rất hiếm, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong đàn giống, khoảng vài ngàn con mới có một con. Hiện nay, tục treo “trứng gà trống” lên trần nhà vẫn được đồng bào Dao thực hiện. Nhiều ngôi nhà người Dao đã cất giữ được rất nhiều bọc trứng gà trống qua nhiều thế hệ, như sự gửi gắm, thêm một niềm tin, hy vọng trong việc xây dựng đời sống ấm no, sung túc.

Bài, ảnh: H’ Mai

Theo baodaknong.org.vn

Share bài viết:

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest
Share on telegram

Địa chỉ

Đường 23/3, p. Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa,

Tỉnh Đăk Nông.

Liên hệ

Phone: (+84) 2613 93 93 93

Share on facebook

2199/QÐ-UBND