Cũng như các dân tộc thiểu số bản địa khác ở Tây Nguyên, người Ê đê có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú, đa dạng, luôn gắn bó mật thiết trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh qua các lễ hội, tập tục truyền thống. Trong đó, nghệ thuật âm nhạc phát triển rất đặc sắc, độc đáo về nhạc cụ và các hình thức biểu diễn.
Cồng, chiêng
Cồng, chiêng thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn nón quai thao; cồng thường có núm nhỏ ở giữa, còn chiêng không có núm, mặt phẳng hoàn toàn. Người ta dùng dùi bọc một lớp vải để đánh cồng, chiêng trong các lễ hội lớn của buôn làng như Lễ bỏ mả, Lễ mừng lúa mới, Lễ đâm trâu…
Người Ê đê quan niệm cồng, chiêng là báu vật thiêng, là linh hồn của sự sống và là phương tiện để con người giao tiếp với các thần linh. Văn hóa Cồng chiêng của người Ê đê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Trống
Trống của người Ê đê được làm từ gỗ, da trâu, có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Để làm được chiếc trống, chủ nhà phải mời già làng, trai tráng khỏe mạnh lên rừng làm lễ xin Yàng cho phép được hạ cây làm trống. Trống được làm từ nguyên một thân gỗ, hai đầu đẽo tạc tròn, nhỏ hơn vùng bụng trống, bên trong thân cây khoét rỗng để làm tang trống cho đến khi đạt độ dày cần thiết thì mới bịt mặt trống bằng da trâu. Trống thường được dùng để thông báo cho các thành viên trong dòng tộc biết gia đình, hay buôn làng có sự kiện lớn diễn r
Tù và
Tù và được lấy từ sừng những con trâu to, khỏe hoặc con trâu được làm vật hiến sinh ở Lễ đâm trâu. Một đầu lớn sừng rỗng, đầu nhọn còn lại cắt bớt khoảng 2 – 3 cm để tạo lỗ thổi. Trong khi thổi 1 tay giữ tù và, tay còn lại dùng lòng bàn tay ốp lên đầu rỗng để úp mở tạo ra độ vang âm thanh to nhỏ khi thổi. Tù và chỉ có một âm duy nhất, dùng để tập trung mọi người và xua đuổi muông thú phá hoại mùa màng của gia đình trên nương rẫy.
Ðàn T’rưng
Ðàn T’rưng là loại nhạc cụ tự thân vang, chi gõ, loại đàn do nhiều ống đàn hợp thành. Các ống đàn được chế tác từ những ống lồ ô khô, có chiều dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Ống đàn gồm hai phần: Ống hơi và thanh cộng hưởng, có quan hệ mật thiết để tạo nên các ống đàn có cao độ chuẩn, âm thanh vang. Đồng bào Ê đê sử dụng đàn bằng cách dùng hai dùi được làm từ gỗ hoặc thanh tre để gõ vào ống sẽ tạo ra những âm thanh thánh thót, lắng dịu dễ nghe.
Đàn T’rưng của người Ê đê có âm sắc không trong, không kêu to, vang xa như cồng chiêng, sáo, chiêng tre…, nhưng dễ đi vào lòng người bởi tiếng đàn mang cái “hồn’’ rừng núi giống với tiếng gió xào xạc trên nương rẫy, tiếng suối chảy róc rách bên bến nước buôn làng. Ðàn T’rưng thường được biểu diễn trong nhà rông hoặc ngoài trời vào các dịp lễ, tết truyền thống hoặc trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Ê đê.
Đing Năm
Ðing Năm gồm 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được sắp xếp trên 2 bè trên vỏ bầu khô, mỗi bè gồm 3 ống, trên ống thanh trúc được khoét mỗi lỗ ở vị trí khác nhau để điều chỉnh thành những nốt nhạc trước khi gắn nối các ông trúc với vỏ bầu. Vỏ bầu được chọn phải là quả bầu đủ độ già, đẹp, không bị sâu bọ chích hút. Phần đầu vỏ bầu phải hơi cong theo hình vòng cung và gắn thêm ống trúc nhỏ thì mới có thể làm được một chiếc Ðing Năm vừa ý. Ðinh Năm thường được đàn ông Ê đê thổi theo điệu hát Ayray và dùng để tiếp đón khách quý hay trong các tang lễ, ma chay.
Bài, ảnh: Y Krăk
Theo baodaknong.org.vn